Nhập khẩu gỗ châu Phi vào Việt Nam: Rủi ro và xu hướng
Thương Trường | Những năm gần đây, gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi đã và đang trở nên ngày càng quan trọng đối với Việt Nam. Đến nay, lượng cung gỗ tròn và gỗ xẻ từ nguồn này chiếm gần ¼ tổng lượng gỗ tròn và gỗ xẻ nhập vào Việt Nam mỗi năm. Mặc dù nhập khẩu gỗ nguyên liệu châu Phi có xu hướng tăng nhanh nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro cho thị trường Việt Nam.
15:17 08/07/2019
Tin liên quan
-
Quy định mới đối với việc xuất khẩu gỗ sang EU -
Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ hợp pháp sang Mỹ
Xu hướng tiêu dùng các mặt hàng gỗ
Mới đây, theo báo cáo “Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi” của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nguồn gỗ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu để phục vụ tiêu dùng nội địa. Do chính sách đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ Việt Nam trong những năm vừa qua khiến nguồn cung gỗ từ rừng tự nhiên giảm mạnh, điều này dẫn đến nhu cầu nhập khẩu gỗ của Việt Nam tăng lên. Thêm vào đó, những năm gần đây, nguồn cung gỗ từ Lào và Campuchia cũng không ổn định, xu hướng giảm đồng thời có rủi ro về mặt pháp lý. Trong bối cảnh như vậy, gỗ Châu Phi trở thành nguồn cung gỗ nhiệt đới thay thế quan trọng cho Việt Nam, bù đắp phần mất đi hoặc suy giảm từ các nguồn cung khác.
Hiện tại, xu hướng tiêu dùng các mặt hàng gỗ tại Việt Nam có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu trẻ với xu hướng sử dụng các mặt hàng đồ gỗ theo trường phái hiện đại, với chất liệu gỗ nhập khẩu từ các nguồn sạch như Mỹ, châu Âu hoặc các sản phẩm pha trộn giữa gỗ và các vật liệu khác. Nhóm thứ hai là người dân ưa chuộng các sản phẩm gỗ có kiểu dáng truyền thống từ các loại gỗ quý có nguồn gốc tự nhiên. Hiện nay, gỗ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhóm thứ hai. Bên cạnh đó, một lượng gỗ nhập khẩu từ nguồn này được sử dụng trong các công trình đền chùa và làm gỗ xây dựng. Khác với thị trường xuất khẩu, với các thay đổi hoặc biến động vượt khỏi sự kiểm soát của doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường trong nước luôn có độ ổn định cao. Nói cách khác, nhu cầu tiêu thụ nội địa về gỗ châu Phi nhập khẩu có xu hướng ổn định và tăng.
Một trong những lý do dẫn đến sự tăng trưởng này là bởi hầu hết các loài gỗ nhập khẩu từ nguồn này đều được gọi bằng tên của các loài gỗ quý như: hương, gõ, cẩm,… rất quen thuộc với người Việt mặc dù chưa chắc chúng đã thực sự là các loại gỗ này. Ví dụ “gõ đỏ” là gỗ tròn nhập khẩu vào Việt Nam từ châu Phi được khai báo với 9 tên khoa học khác nhau. “Gỗ lim” xẻ có 7 tên khoa học được khai báo khi nhập khẩu. Hiện chưa có gì có thể đảm bảo chắc chắn rằng các loài gỗ nhập khẩu là “gõ đỏ” hay “gỗ lim”. Việc sử dụng tên Tiếng Việt cho các loài gỗ nhập khẩu từ châu Phi, do ngẫu nhiên hay chủ ý của các nhà nhập khẩu, đã góp phần làm cho gỗ châu Phi trở thành thân thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam. Điều này góp phần mở rộng nhu cầu tiêu thụ các loại gỗ nhập khẩu từ nguồn này.
Ngoài ra, sự thay đổi trong chính sách quản lý tài nguyên rừng tại Việt Nam và một số quốc gia cung gỗ nhiệt đới truyền thống cho Việt Nam như Lào và Campuchia, thói quen và thị hiếu của thị trường trong việc sử dụng gỗ quý, giá cả hợp lý là cho cung gỗ từ nguồn châu Phi tăng nhanh chóng và nhiều công ty tham gia thị trường cung gỗ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng của thị trường này.
![]() |
Nhập khẩu gỗ châu Phi vào Việt Nam có xu hướng tăng trưởng mạnh. Ảnh minh họa |
Rủi ro trong nguồn cung gỗ nguyên liệu châu Phi
Mặc dù lượng cung gỗ châu Phi cho Việt Nam chiếm ¼ tổng lượng cung gỗ nguyên liệu của nước ta thì đây vẫn là nguồn cung tương đối mới và tiềm ẩn một số rủi ro về tính pháp lý đối với nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu này như sau:
Thứ nhất, tại Việt Nam, hiện hầu như không có thông tin về các quy định pháp lý có liên quan đến quản lý, khai thác, chế biến và thương mại gỗ tại các quốc gia châu Phi cung gỗ cho Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu biết một số thông tin cơ bản về các quy định, tuy nhiên, hiểu biết của doanh nghiệp thường tập trung vào các khâu có liên quan trực tiếp đến các hoạt động của doanh nghiệp như các quy định về khai thác, xuất khẩu hoặc vận chuyển. Các quy định khác như lao động, an toàn trong sản xuất,… thường nằm ngoài phạm vi quan tâm và hiểu biết của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, từ người mua gỗ, doanh nghiệp nhập khẩu đến người tiêu dùng đều hầu như chưa nắm được thông tin về nguồn cung gỗ này. Thiếu thông tin về nguồn cung đồng nghĩa với việc không thể truy xuất gỗ nhập khẩu từ nguồn này.
Thứ hai, chính sách quản lý tài nguyên của nhiều quốc gia châu Phi có nhiều bất cập, không thống nhất và thậm chí xung đột lẫn nhau. Bên cạnh đó, các chính sách cũng thường xuyên thay đổi. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin để đảm bảo các hoạt động của mình tuân thủ đầy đủ quy định của các quốc gia cung cấp gỗ. Tuy nhiên, do hạn chế về tiếp cận thông tin, một phần có thể là do rào cản về ngôn ngữ, một phần do các doanh nghiệp chưa có sự quan tâm thỏa đáng, các doanh nghiệp có hoạt động trực tiếp tại các quốc gia cung gỗ và các doanh nghiệp nhập khẩu có thể có các hoạt động không tuân thủ quy định. Điều này làm phát sinh rủi ro về tính pháp lý của gỗ nguyên liệu từ nguồn này.
Thứ ba, quản trị rừng tại hầu hết các quốc gia châu Phi cung gỗ cho Việt Nam ở mức rất thấp và điều này đồng nghĩa với gỗ từ nguồn này có rủi ro. Nạn tham nhũng tràn lan, đặc biệt trong ngành lâm nghiệp và trong các hoạt động xuất nhập khẩu, vi phạm các quy định về quyền cộng đồng, sử dụng đất, sử dụng lao động, quy định về môi trường trở thành phổ biến. Mặc dù chính phủ Việt Nam kiên định trong việc thực thi các quy định về hàng hóa nhập khẩu, bao gồm gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi, theo đó đòi hỏi các doanh nghiệp nhập khẩu cần có đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu của hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện còn thiếu cơ chế kiểm tra, đánh giá do thiếu các cơ chế truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo chắc chắn rằng các giấy tờ của doanh nghiệp có được theo cách hoàn toàn hợp pháp. Chính sách không thống nhất, thậm chí xung đột được ban hành bởi các cơ quan tại quốc gia cung gỗ làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, từ đó đẩy mức độ rủi ro của nguồn cung gỗ nguyên liệu này trở nên cao hơn.
Như vậy, có thể nói, nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng gỗ nguyên liệu châu Phi tại Việt Nam đang có chiều hướng tăng trưởng mạnh, tuy nhiên thị trường này vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Điều này đòi các doanh nghiệp nhập khẩu cần có sự hiểu biết và cập nhật thông tin thường xuyên về các quốc gia cung gỗ tại châu Phi để từ đó đưa ra các quyết định chính xác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh những mặt hàng này.